Từ 1/1/2017, các thuê bao di động được chuyển mạng giữ nguyên số



Dù các nhà mạng lớn như VNPT, Viettel đều muốn lùi thời điểm triển khai chính thức dịch vụ chuyển mạng di động giữ nguyên số tới năm 2018 hoặc 2019, song Bộ TT&TT đã chính thức chốt "mốc" là ngày 1/1/2017

Từ 1/1/2017, các thuê bao di động được chuyển mạng giữ nguyên số 1



Xu hướng cá nhân hóa số điện thoại

Sáng 8/5/2013, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đã chủ trì cuộc họp giữa Cục Viễn thông với các nhà mạng lớn nhằm thống nhất ý kiến về việc xây dựng Đề án triển khai dịch vụ chuyển mạng di động giữ nguyên số thuê bao tại Việt Nam (MNP - Mobile Number Portability).

Theo bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, mục tiêu đầu tiên hướng tới của Đề án là giúp các chủ thuê bao điện thoại di động có cơ hội lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ tốt hơn mà không phải quan ngại về việc mất số điện thoại hiện có, đặc biệt là những số điện thoại gắn với dữ liệu cá nhân như ngày tháng năm sinh,… Dịch vụ MNP sẽ tạo ra xu hướng cá nhân hóa số điện thoại, tạo nền tảng cho việc phát triển các dịch vụ mới liên quan đến ứng dụng thương mại, các dịch vụ nội dung trên mạng điện thoại di động, từ đó thúc đẩy phát triển dịch vụ 3G hiện vẫn còn khiêm tốn về hiệu quả đầu tư.

Bên cạnh đó, việc triển khai dịch vụ MNP sẽ giúp tăng hiệu quả sử dụng kho số viễn thông và quản lý thuê bao trả trước. Bởi nhu cầu mỗi cá nhân có nhiều SIM để sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp di động khác nhau sẽ giảm đi, lượng SIM rác cũng giảm theo. Mặt khác, khi đăng ký chuyển mạng, khách hàng sẽ phải khai báo chính xác các thông tin cá nhân liên quan, từ đó hỗ trợ tốt hơn cho công tác quản lý thuê bao, đặc biệt là thuê bao trả trước.

Ngoài ra, việc triển khai dịch vụ MNP còn đem lại nhiều lợi ích khác như tăng hiệu quả kinh tế, thúc đẩy cạnh tranh giữa các doanh nghiệp viễn thông, hỗ trợ đảm bảo an ninh thông tin, tạo nền tảng cho sự phát triển thương mại điện tử…

Nhà mạng vẫn chần chừ với chuyển mạng giữ nguyên số

Trong khi Bộ TT&TT, Cục Viễn thông rất muốn đẩy nhanh tiến trình triển khai dịch vụ MNP thì các nhà mạng lớn lại tỏ ra chần chừ.

Theo đại diện của VNPT, doanh nghiệp này cần tới 5 năm cho khâu chuẩn bị triển khai dịch vụ MNP. Hiện vẫn còn rất nhiều vấn đề khiến VNPT băn khoăn như Đề án phải tính toán kỹ hơn về mặt kinh tế, xem Nhà nước và doanh nghiệp cần đầu tư bao nhiêu, đem lại lợi ích gì; quy trình phối hợp giữa các doanh nghiệp liên quan ra sao bởi đây là dịch vụ liên mạng; chính sách giá cước thế nào,…

Đại diện cho Viettel, Phó Tổng Giám đốc Tống Viết Trung cũng nêu ra một loạt vấn đề chưa có quy định cụ thể. Chẳng hạn, khi thuê bao chuyển mạng, doanh nghiệp phải tính toán và trả phí quỹ số thế nào khi số vẫn ở trong quỹ số của doanh nghiệp này nhưng doanh nghiệp khác lại khai thác số đó. Hoặc khi khách hàng được thoải mái chuyển mạng giữ số, doanh nghiệp phải tính toán rất kỹ khi muốn bổ sung thêm dịch vụ gia tăng ưu đãi cho khách hàng (như chính sách ưu đãi máy đầu cuối chỉ áp dụng cho những khách hàng không chuyển mạng trong 1 thời gian nhất định). Hoặc quy định về giá dịch vụ chuyển đổi từ mạng này sang mạng khác, nếu để thấp thì khách hàng rất dễ chuyển đổi liên tục, tăng tải cho nhà mạng.

Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, bà Lê Thị Ngọc Mơ khẳng định những băn khoăn trên sẽ được giải tỏa bằng các văn bản, thông tư quy định hướng dẫn cụ thể sau này chứ không thuộc phạm vi của Đề án tổng thể.

Bà Mơ nhận định lý do chính khiến các doanh nghiệp chần chừ là không muốn phải đầu tư thêm một số tiền mà không sinh ra thuê bao mới và lo ngại sẽ có sự xáo trộn thị trường. Tuy nhiên, bà Mơ khuyến nghị doanh nghiệp viễn thông phải xác định MNP là một dịch vụ không nhằm mục tiêu tăng doanh thu, lợi nhuận. Và theo kinh nghiệm các nước đã triển khai MNP thì không có sự xáo trộn số thuê bao chuyển mạng từ mạng lớn sang nhỏ, thậm chí số lượng thuê bao chuyển mạng còn nhỏ hơn khi không áp dụng MNP.

Bà Mơ cũng đề xuất kinh nghiệm quốc tế về việc xử phạt doanh nghiệp cố tình trì hoãn, chậm triển khai dịch vụ MNP gây ảnh hưởng chung cho thị trường. Cụ thể, Thái Lan đã đưa ra quy định phạt với mức 5.000 USD/ngày chậm và sau đó đã thu tổng số tiền phạt là 2,5 triệu USD.

Bộ TT&TT quyết triển khai từ năm 2017

Ghi nhận ý kiến của các bên liên quan, Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định: “Không phải vô cớ mà các điều ước, hiệp định quốc tế thời gian qua đều đưa việc triển khai MNP vào quy định bắt buộc. Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương mà Việt Nam là một thành viên cũng đưa ra nội dung cam kết triển khai MNP, trong đó Việt Nam đề xuất triển khai trước năm 2020 (nhiều nước khác đều cam kết triển khai vào năm 2015). Đối với điều kiện thực tế tại Việt Nam, các doanh nghiệp đã nhất trí chủ trương nên làm vì đem lại lợi ích cho cả người dùng, thị trường, cơ quan quản lý Nhà nước. Đã đến thời điểm chín muồi để ban hành quyết định phê duyệt Đề án triển khai dịch vụ chuyển mạng di động giữ nguyên số thuê bao tại Việt Nam”.

Lường trước hiện trạng các dự án đầu tư dù nhỏ cũng phải mất 1 - 2 năm làm thủ tục xây dựng dự án (các dự án của VNPT đều kéo dài 18 - 24 tháng), Thứ trưởng Lê Nam Thắng đề xuất lộ trình: Sau khi hoàn tất khâu chuẩn bị trong năm 2013, sang năm 2014 - 2015 làm thủ tục đầu tư xây dựng; năm 2016 sẽ tiến hành thử nghiệm và từ 1/1/2017 chính thức triển khai dịch vụ MNP cho tất cả các nhà mạng, thuê bao di động tại Việt Nam.
Theo genk.vn

Stumble
Delicious
Technorati
Twitter
Facebook

Lưu trữ Blog

 

Thế Giới Thủ thuật Copyright © 2010 LKart Theme is Designed by Lasantha, Free Blogger Templates