Ăn kiêng từ năm 10 tuổi, tuyến vú của Helen không phát triển và mãi đến năm 26 tuổi, cô mới có kinh nguyệt.
Helen mới được về nhà với bố mẹ được 4 tháng sau thời gian dài nằm viện. Ảnh:Barcroft Media |
Helen, đến từ Perth, Scotland, giải thích: "Các bác sĩ nói rằng hệ xương của tôi yếu đến nỗi tôi đã bị gãy cổ tay sau một cú ngã nhẹ năm 14 tuổi. Nếu tôi không cải thiện hơn thì sẽ tiếp tục lão hóa trước tuổi. Suốt một thời gian dài tôi trông giống như một đứa trẻ, giờ thì tôi chẳng khác gì một bà già. Tôi muốn chia sẻ câu chuyện của mình để cảnh báo mọi người rằng chứng biếng ăn có thể cướp đi cả tuổi thơ của bạn".
Khi mới bắt đầu ăn kiêng, Helen đặt ra quy định mỗi ngày hấp thụ vào cơ thể chỉ 60 calo. Đến năm 14 tuổi, cô chỉ nặng có 29 kg và có lúc cô đã suýt chết. Helen phải điều trị trong bệnh viện suốt 4 tháng, tuy nhiên khi về nhà, cô lại bỏ đói mình, khiến cân nặng giảm nhanh và lại phải nhập viện lần nữa. Quá trình đó cứ lặp đi lặp lại suốt 20 năm qua.
Helen trông như bộ xương khi ăn kiêng năm 10 tuổi. Ảnh: Barcroft Media |
Trong những năm tuổi 20, Helen từng đạt được cân nặng 57 kg và những bức ảnh chụp lại thời gian đó cho thấy cô trông rất ổn và khỏe mạnh. Tuy nhiên chứng rối loạn ăn uống vẫn quay trở lại và tấn công cô. Ngày trước, Helen từng đổ lỗi cho bố mẹ cô vì đặt quá nhiều kỳ vọng vào cô. Nhưng giờ thì cô nhận ra chính cô đã ép mình phải hoàn thành tốt hơn trong việc học nhạc, học khiêu vũ và các bài tập ở trường, tuy nhiên cuối cùng chỉ có giảm cân là việc cô làm tốt nhất.
"Cân nặng là thứ mà tôi có thể kiểm soát được, và giảm cân dường như là một tài năng mà những người khác, đặc biệt là các cô gái, ngưỡng mộ tôi".
Càng lớn lên, Helen lại cảm thấy sợ hãi vì trách nhiệm của người lớn, điều đó càng khiến cô có thêm lý do để bỏ đói mình. "Tôi chỉ muốn được trẻ con và ngây thơ mãi", cô nói.
Helen từng nặng 57 kg năm 22 tuổi trước khi trở lại với chế độ ăn kiêng hà khắc. Ảnh: Barcroft Media |
Do không có ngực nên Helen buộc phải mang ngực giả, thường được làm cho những bệnh nhân ung thư vú. Hầu như trong 20 năm, Helen dành phần lớn thời gian ở trong bệnh viện. Chỉ 4 tháng vừa rồi, cô mới được cho về nhà sống với bố mẹ. Tuy nhiên cô vẫn không thể tuân thủ một chế độ ăn uống lành mạnh dành cho người trưởng thành.
Mỗi ngày người phụ nữ 30 tuổi này chỉ ăn có 750 kalo gồm một bát ngũ cốc cho bữa sáng, 4 miếng hoa quả vào 5h chiều, sau đó là khoảng 2 lát bánh mì và một ít đậu vào 2 giờ sáng. Khẩu phần ăn đó chỉ hơn một nửa chế độ dinh dưỡng của một đứa trẻ từ 1 đến 3 tuổi.
Khó khăn là thế nhưng Helen vẫn nuôi hy vọng một ngày nào đó có thể sống một cuộc sống bình thường.The Sun dẫn lời cô tâm sự: "Tôi muốn được kết hôn và sinh con. Mỗi tuần tôi đi qua cửa hàng áo cưới 3 lần, nhìn ngắm những bộ váy lộng lẫy và ước "giá như". Dù muốn tình trạng sức khỏe của mình trở nên tốt hơn, tôi vẫn mong một lần được trở lại làm đứa trẻ và không phải vướng vào những trách nhiệm và nghĩa vụ của một người trưởng thành".